Hành trình gây viêm gan của rượu bia như thế nào?

Tác hại của rượu bia ngày càng được nghiên cứu và chứng minh rõ ràng, có bằng chứng khoa học cụ thể. Rượu làm rối loạn chức năng của nhiều cơ quan như thận, gan, dạ dày, tụy, não… Trong đó, gan là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất, gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan…

Chức năng gan trong cơ thể

Gan thực hiện rất nhiều chức năng như: dự trữ và thoái hóa glycogene, chuyển hóa chất đạm, mỡ từ thức ăn, sản xuất ra các yếu tố đông máu, chuyển hóa thuốc trong cơ thể… Nghiên cứu cho thấy gan đảm nhiệm hơn 5000 chức năng khác nhau trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa và đào thải các độc tố từ rượu bia, đồ uống có cồn, giải độc các chất hóa học, thuốc tây…

Hầu như các loại thuốc đều được chuyển hóa tại gan
Hầu như các loại thuốc đều được chuyển hóa tại gan

Rượu bia gây viêm gan, gan nhiễm mỡ:

Theo Thạc sĩ Bùi Thị Thu Hương, khi uống rượu, chất cồn được hấp thu nhanh chóng vào máu và đi qua niêm mạc dạ dày, ruột. Chúng được lọc qua gan trước khi về tim. Vì vậy, gan là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Trong tế bào gan có các enzyme chuyển hóa cồn, biến đổi cồn qua một chuỗi phản ứng hóa học thành các chất không độc và thải bỏ ra ngoài qua nước tiểu và khí thở.

Tuy nhiên, lượng enzyme được sản sinh trong gan là có hạn, nó chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu bạn uống rượu trong thời gian dài, hoặc uống một lượng rượu quá lớn thì nồng độ cồn tăng quá mức trong máu, thiếu enzyme chuyển hóa cồn. Cồn không được chuyển hóa hoàn toàn sẽ tồn tại ở dạng chất độc với cơ thể, gây tổn hại chức năng nhiều cơ quan.

Hành trình chuyển hóa rượu tại gan
Hành trình chuyển hóa rượu tại gan

Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia khuyến cáo rằng giới hạn chất cồn là 1-2 đơn vị quốc tế/ngày, trong đó 1 đơn vị = 25ml thức uống cồn 40 độ, hoặc 50ml thức uống có cồn 20 độ. Với liều lượng này, uống rượu mỗi ngày được cho là có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ.

Tuy nhiên, nhiều người lại uống rượu nhiều trong một thời gian dài. Điều này khiến gan hoạt động quá sức, tăng gánh nặng cho gan. Từ đó dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan… Bệnh tiến triển từ từ, thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng, đến khi phát hiện ra thường thì bệnh đã tiến triển nặng nề và khó cứu chữa.

Gan nhiễm mỡ

Là tình trạng tích tụ mỡ trong tế bào gan. Theo thống kê năm 2003, có khoảng 30 triệu người mắc bệnh về gan, trong đó có hơn 8 triệu người bị gan nhiễm mỡ. Đến nay, con số đó đã tăng lên rất nhiều. Tình trạng bệnh có thể thoái lui khi bệnh nhân ngưng uống. Ngược lại, nếu họ vẫn tiếp tục lạm dụng rượu hàng ngày thì nó sẽ tiến triển thành nhiều bệnh lý nặng nề hơn: viêm gan, xơ gan…

Viêm gan do rượu

Có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng. Ở thể nhẹ thường không có các triệu chứng rõ ràng, nếu có chỉ là sự tăng bất thường men gan trong máu. Một số trường hợp tiến triển thành bệnh gan mạn tính, gây phá hủy dần tế bào gan, cuối cùng có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan…

Nếu bị chỉ số men gan tăng cao thì nên gặp bác sĩ chuyên khoa để sớm được điều trị.
Nếu bị chỉ số men gan tăng cao thì nên gặp bác sĩ chuyên khoa để sớm được điều trị.

Ở thể viêm gan nặng, bệnh nhân có các triệu chứng mệt mỏi, vàng mắt vàng da, đau tức vùng gan. Các đợt tấn công viêm gan cấp có thể diễn ra với biểu hiện: hôn mê gan, rối loạn đông máu, suy giảm nhận thức, hôn mê, xuất huyết tiêu hóa, tỉ lệ tử vong cao.

Xơ gan

Là tình trạng xơ hóa dần các mô gan bình thường, suy giảm chức năng gan. Quá trình này diễn biến tăng dần, ảnh hưởng nặng nề đến cấu trúc và sự tái tạo tế bào gan. Theo thời gian các mô xơ dần thay thế hoàn toàn mô gan, ngăn cản dòng máu đến gan. Gan không thể phục hồi chức năng được nữa.  Ở những người xơ gan nặng lâu ngày, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường xuất hiện với các triệu chứng như báng bụng, phát triển tuần hoàn bàng hệ… Biến chứng nguy hiểm nhất của xơ gan là ung thư gan.

Điều trị và phòng ngừa viêm gan, xơ gan do rượu

  • Tránh sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết.
  • Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Sử dụng thuốc hợp lý, đúng liều, đúng chỉ định của bác sĩ, trao đổi với bác sĩ đang có bệnh kèm theo hoặc sử dụng thuốc có hại cho gan để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Khi có các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, vàng da,… cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *