Viêm gan là gì?
Viêm gan là tình trạng nhu mô gan bị tổn thương, từ đó làm suy giảm chức năng gan. Ở giai đoạn đầu, viêm gan khó nhận biết do triệu chứng bệnh không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh đường tiêu hóa. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng, triệu chứng rõ ràng mới phát hiện, khi đó việc điều trị bệnh gặp khó khăn hơn.
Bệnh viêm gan kéo dài lâu ngày nếu không có biện pháp điều trị đúng thì có thể khiến chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng, hình thành sẹo gan (xơ gan), nguy hiểm hơn là gây ung thư gan dẫn đến tử vong.
Triệu chứng của viêm gan
Theo số liệu thống kê, có khoảng 80% số ca mắc bệnh không có hoặc có rất ít triệu chứng dấu hiệu bị viêm gan ở giai đoạn đầu. Còn lại có biểu hiện, dấu hiệu nhưng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Sau đây là một số triệu chứng viêm gan có thể nhận biết được:
- Vàng da hoặc bị vàng mắt: Đây là triệu chứng đặc trưng, dễ dàng nhận biết khi mắc các bệnh lý về gan. Nguyên nhân do chất bilirubin bị tích tụ trong máu rò rit vào da, mắt khiến da và mắt chuyển sang màu vàng
- Luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải
- Bị sốt
- Người nổi mẩn ngứa do độc tố không được gan lọc tích tụ gây ngứa ngáy
- Cảm giác ăn không ngon, chướng bụng, buồn nôn và nôn
- Đau hạ sườn phải, đau bụng, đau khớp, đau mỏi các cơ bắp
- Nước tiểu có màu bất thường màu hổ phách, cam đậm hoặc nâu do bilirubin dư thừa được đào thải ra ngoài
- Luôn ở trạng thái lơ mơ, thiếu tập trung, nếu bệnh ở giai đoạn nặng người bệnh có thể bị lú lẫn
- Dễ bị chảy máu, tay chân, ngực, cổ, mặt có thể xuất hiện vết bầm (dấu sao mạch)
Cần quan sát các dấu hiệu triệu chứng viêm gan để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng gây xơ gan, chức năng gan bị suy giảm.
Các giai đoạn tiến triển của viêm gan
Bệnh viêm gan tiến triển qua 4 giai đoạn chính:
- Gan vẫn có khỏe mạnh bình thường
- Có dấu hiệu triệu chứng đầu tiên của viêm gan
- Xơ gan: Các mô sẹo dần hình thành sau khoảng thời gian 20 – 25 năm mắc viêm gan. Mô sẹo tiến triển nặng gây xơ gan.
- Ung thư gan: Sau khi gan bị xơ hóa dần dần sẽ gây ung thư gan.
Nguyên nhân gây viêm gan
Viêm gan do Virus
Hiện nay đã ghi nhận có ít nhất 6 loại virus gây bệnh viêm gan, bao gồm, virus viêm gan A (HAV), B (HBV), C (HCV), D (HDV – virus delta), E (HEV), G (HGV). Bên cạnh đó, một số loại virus cũng có thể gây viêm gan như herpes simplex virus, rubella, virus gây bệnh quai bị, virus EBV, MV…
Viêm gan do nhiễm độc
Các tế bào gan bị viêm nhiễm hoặc hoại tử do uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài hoặc lạm dụng một số loại thuốc gây hại cho gan. Bệnh viêm gan do bị nhiễm độc thường là cấp tính nhưng nếu không được chữa trị sớm có thể tiến triển mãn tính và gây xơ gan.
Viêm gan do Ký sinh trùng
Một số trường hợp viêm gan do ký sinh trùng gây ra. Loại ký sinh trùng phổ biến có tên là Plasmodium falciparum (ký sinh trùng sốt rét) và một số loại ký sinh trùng amip.
Viêm gan do tự miễn
Vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân nào gây ra viêm gan tự miễn. Bệnh xảy ra khi gan bị hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công. Mặc dù không xác định được nguyên nhân nhưng một số loại thuốc, chất độc độc có thể gây bệnh.
Nguy cơ mắc phải viêm gan
Bên cạnh những nguyên nhân viêm gan ở trên, nhiều người có nguy cơ bị bệnh nếu như:
- Sử dụng chung kim tiêm với nhiều người, có hình xăm hoặc nhiều lỗ xỏ trên cơ thể
- Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh viêm gan A và viêm gan E
- Sử dụng vật dụng vệ sinh cá nhân chung với người đang mắc bệnh viêm gan
- Lây truyền từ mẹ sang thai nhi
- Thực hiện truyền hóa trị, truyền máu hoặc đang trong quá trình điều trị ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể
- Đang dùng một số loại thuốc ảnh hưởng xấu cho gan như methotrexate, acetaminophen…
- Người đang có hệ miễn dịch suy giảm như bị nhiễm HIV
Chẩn đoán viêm gan
Bệnh viêm gan được các bác sĩ chẩn đoán thông qua khám lâm sàng và các triệu chứng bệnh như vàng mắt, vàng da, tiền sử bệnh. Tuy nhiên, cách tốt nhất để chẩn đoán viêm gan là thực hiện xét nghiệm máu nhằm kiểm tra tình trạng và chức năng của gan.
Các xét nghiệm gồm có:
- Sinh thiết gan
- Siêu âm gan
- Xét nghiệm máu: Xác định các loại enzyme như ALT (alanine aminotransferase), AST (aspartate aminotransferase), ALP (alkaline phosphatase) do gan sản xuất hoặc bilirubin có nhiều trong máu hay không. Nếu có quá nhiều cho biết gan đang bị tổn thương.
- Xét nghiệm sinh học phân tử hoặc xét nghiệm miễn dịch
Điều trị viêm gan
Đa số các trường hợp bị viêm gan do virus gây ra ở giai đoạn nhẹ, cấp tính sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn nếu như tuân thủ đúng theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ điều trị.
Các biện pháp chữa viêm gan thường được áp dụng gồm có:
Thuốc tây
Những loại thuốc đặc trị viêm gan được bác sĩ kê đơn phổ biến hiện nay gồm có thuốc interferon, protease có tác dụng kháng virus, nucleoside analogue kháng virus và một số loại thuốc khác (tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh).
Thuốc interferon
Cung cấp cho cơ thể protein miễn dịch giúp chống lại nhiễm trùng và chống lại virus HCV nhờ đó mà ngăn ngừa được biến chứng của bệnh. Nhóm thuốc này dạng tiêm như peginterferon alfa-2a hoặc 2b hoặc có thể là interferon alfa-2b.
Thuốc ức chế protease
Thuốc paritaprevir, boceprevi, telaprevir. Thuốc có tác dụng ức chế sự sinh sôi và ngăn ngừa lây lan của virus gây bệnh. Thường được sử dụng ở đường uống.
Thuốc kháng virus nucleoside (ribavirin)
Bao gồm các loại thuốc như ribasphere, rebetol, moderiba, copegus… Thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự sinh sôi và phát triển của virus gây bệnh. Thuốc kháng virus nucleoside thường được kê đơn dùng kết hợp với các biện pháp chữa viêm gan khác. Lưu ý: Thuốc ribavirin cần hết sức thận trọng khi dùng cho phụ nữ đang mang thai. Bởi thuốc có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi hoặc gây dị tật bẩm sinh.
Thuốc ức chế polymerase
Có tác dụng ngăn ngừa sự sinh sôi và phát triển của virus gây viêm gan. Loại thuốc này có thể được kết hợp với thuốc kháng virus nucleoside (ribavirin) dùng tối đa 24 tuần. Loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như mệt mỏi, khó ngủ, ngứa ngáy, phát ban hoặc buồn nôn.
Chú ý: Trường hợp, viêm gan mãn tính không có dấu hiệu và nồng độ virus gây bệnh thấp thì không dùng các loại thuốc đặc trị trên.
Biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh việc uống thuốc đúng, đủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh nên áp dụng một số biện pháp hỗ trợ chữa viêm gan sau:
- Nghỉ ngơi nhiều hơn giúp cơ thể thư giãn, bổ sung năng lượng, giảm mệt mỏi
- Để gan nghỉ ngơi, không phải đào thải, hoạt động quá nhiều bằng việc ngừng sử dụng các loại thuốc gây hại cho gan. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dừng sử dụng
- Tránh xa bia rượu à có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất
- Chi nhỏ bữa ăn và ăn thành nhiều bữa trong ngày giúp cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể, tránh tình trạng buồn nôn và nôn. Người bệnh nên ăn các loại đồ ăn cung cấp nhiều calo cho cơ thể, điển hình là sữa
- Luôn vệ sinh rửa tay sạch sẽ mỗi khi đi vệ sinh bằng xà bông, nước rửa tay, trong vòng ít nhất 20 giây sau đó lau khô lại bằng khăn sử dụng 1 lần
- Khi mắc bệnh nếu quan hệ thì cần phải sử dụng các biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa lây nhiễm sang cho bạn tình.
Ghép gan
Bệnh bước vào giai đoạn cuối, cách chữa khỏi viêm gan duy nhất là thực hiện ghép gan. Tuy nhiên, biện pháp điều trị này khá tốn kém và khả năng thành công cũng là thách thức đối với nền y học.
Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa là ăn uống, sinh hoạt điều độ và lành mạnh để luôn có cơ thể khỏe mạnh, tránh xa được nhiều bệnh tật.
Phòng ngừa viêm gan
Viêm gan là bệnh nguy hiểm nếu như phát hiện muộn, bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng. Chính vì thế, mỗi người cần có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bệnh hỏi thăm. Dưới đây là một số cách phòng ngừa viêm gan hiệu quả:
- Trước khi truyền máu cần phải xác định được nguồn máu truyền có chứa mầm bệnh không
- Luôn ăn chín và uống sôi
- Hạn chế hoặc bỏ hẳn bia rượu giúp phòng ngừa viêm gan và các bệnh về gan khác hiệu quả
- Luôn kiểm soát cân nặng ở mức độ bình thường, tránh thừa cân, béo phì
- Khi quan hệ tình dục cần phải sử dụng những biện pháp an toàn (quan hệ tình dục lành mạnh)
- Không dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ phẫu thuật
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định và trước khi dùng thuốc thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ
- Đặc biệt, tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B và viêm gan A
- Tầm soát viêm gan theo đúng chỉ định của bác sĩ
- Kiểm tra sức khỏe nếu như có triệu chứng viêm gan
Viêm Gan do Hepatitis B virus (Viêm Gan B)
Viêm gan virus B là một bệnh phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con.
Viêm gan virus B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% số trường hợp khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan.
Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao, ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính gây bệnh gan ở Việt Nam như xơ gan và ung thư gan.
Phân loại Viêm Gan B
Viêm gan B cấp tính
Đối với người lớn, hầu hết sau khi nhiễm siêu vi viêm gan B, sẽ loại được siêu vi trong vòng 6 tháng và trở nên miễn nhiễm đối với siêu vi. Một khi đã loại được siêu vi, họ không thể mắc bệnh viêm gan B trở lại và không thể lây cho người khác.
Viêm gan B mạn tính
Khi thời gian nhiễm bệnh kéo dài hơn 6 tháng có nghĩa là người bệnh đã bị viêm gan mạn tính. 90% trẻ em mắc viêm gan B sẽ bị nhiễm trùng mạn tính gây tổn thương gan, suy gan (gan không thể hoạt động bình thường) và đôi khi dẫn đến ung thư gan khi trưởng thành.
Triệu chứng
Đa số những người bị viêm gan B không có triệu chứng gì rõ rệt và nhiều người không biết họ mang siêu vi trong người. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng gì, gan vẫn có thể đang bị siêu vi B hủy hoại.
Triệu chứng lúc có lúc không và có thể tương tự như triệu chứng của những căn bệnh khác. Các triệu chứng của viêm gan B cấp và mạn tính có thể gặp bao gồm:
- Chán ăn, mệt mỏi
- Vàng da
- Tiểu ít, sẫm màu
- Đau ở vùng gan (phần bụng phía trên, bên phải)
- Nôn, buồn nôn
- Phân bạc màu
- Đau nhức khớp
- Ăn không ngon
- Trầm cảm và cảm thấy bực bội.
Nguyên nhân mắc bệnh
Siêu vi viêm gan B được tìm thấy trong dịch tiết của cơ thể như máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Việc lây viêm gan B chỉ xảy ra khi dịch tiết của người mắc bệnh đi vào cơ thể của người khác. Ngay cả lượng dịch tiết rất nhỏ cũng có thể lây truyền siêu vi.
- Trong lúc sinh, từ người mẹ nhiễm bệnh sang con.
- Lúc ấu thơ, từ người này qua người khác, qua các vết thương nhiễm trùng hoặc vết cắt không được băng bó.
- Không dùng bao cao su khi có quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B
- Dùng chung dụng cụ tiêm chích ma tú..
Một số đường lây lan Viêm gan B
- Việc dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng có dính má
- Tiêm chích, chăm sóc răng và y tế tại những nước thiết bị y tế không được diệt trùng đúng cá
- Truyền máu tại những quốc gia nơi máu không được kiểm tra xem có viêm gan B hay khô
- Những phương pháp trị bệnh cổ truyền có nguy cơ tiếp xúc với máu như châm cứu.
- Việc dùng dụng cụ xăm mình không được diệt trùng đúng cá Điều này bao gồm cả việc xăm thẩm mỹ.
Chẩn đoán viêm gan virus B cấp
Chẩn đoán xác định
Thể vàng da điển hình:
- Có tiền sử truyền máu hay các chế phẩm của máu, tiêm chích, quan hệ tình dục không an toàn trong khoảng từ 4 tuần đến 6 tháng.
- Lâm sàng: có thể có các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít sẫm màu, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, phân bạc màu…
Xét nghiệm:
- AST, ALT tăng cao (thường tăng trên 5 lần so với giá trị bình thường).
- Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp.
- HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+)
Thể không vàng da
- Lâm sàng: có thể có mệt mỏi, chán ăn, đau cơ.
- Xét nghiệm: AST, ALT tăng cao, anti-HBc IgM (+) và HBsAg (+/-).
Thể vàng da kéo dài
- Lâm sàng: Có các triệu chứng lâm sàng giống như thể điển hình, kèm theo có ngứa. Tình trạng vàng da thường kéo dài trên 6 tuần, có khi 3-4 tháng.
- Xét nghiệm: AST, ALT tăng cao, Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp, HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+).
Thể viêm gan tối cấp
- Lâm sàng: Người bệnh có biểu hiện suy gan cấp kèm theo các biểu hiện của bệnh lý não gan.
- Xét nghiệm: AST, ALT tăng cao, Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp, HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+),thời gian đông máu kéo dài, giảm tiêu cầu.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với các loại viêm gan khác như: viêm gan nhiễm độc, viêm gan do virus khác (viêm gan A, viêm gan E, viêm gan C),viêm gan tự miễn, viêm gan do rượu…
Các nguyên nhân gây vàng da khác: Vàng da trong một số bệnh nhiễm khuẩn (Bệnh do Leptospira, sốt rét, sốt xuất huyết…),vàng da do tắc mật cơ học (u đầu tụy, u đường mật, sỏi đường mật,…)
Điều trị viêm gan virus B cấp
Chủ yếu là hỗ trợ:
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng.
- Hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.
- Xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nếu cần thiết. Có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan.
Riêng đối với thể viêm gan tối cấp: Cần điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng vi rút đường uống.
Chẩn đoán viêm gan virus B mạn
Chẩn đoán xác định
- HBsAg (+) > 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+).
- AST, ALT tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
- Có bằng chứng tổn thương mô bệnh học tiến triển, xơ gan (được xác định bằng sinh thiết gan hoặc đo độ đàn hồi gan hoặc Fibrotest hoặc chỉ số APRI) mà không do căn nguyên khác.
Điều trị viêm gan virus B mạn
Chỉ định điều trị khi:
- ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.
Và
- HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV-DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).
Dự phòng viêm gan virus B
Vắc xin viêm gan B là trụ cột của công tác dự phòng viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên.
Tránh để máu tiếp xúc với máu: không dùng chung dao cạo, bàn chải đánh răng và các vật dụng cá nhân khác.
Băng lại các vết thương hở và dùng thuốc tẩy lau sạch các vết máu. Đừng để người khác chạm vào vết thương hoặc máu của bạn trừ khi họ mang găng tay.
Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Không dùng chung kim và bất cứ dụng cụ nào để chích ma túy.
Viêm gan do bia rượu
Viêm gan do rượu là một tình trạng bệnh lý viêm của gan do uống nhiều rượu dung nạp vào cơ thể lượng lớn rượu có nồng độ cồn cao trong một thời gian dài. Bệnh viêm gan do rượu có thể phát triển thành xơ gan nếu người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu. Xơ gan là bệnh không thể chữa trị được. Khi bị xơ gan, các mô gan bình thường bị phá hủy và bị thay thế bằng các mô sẹo. Dần dần gan sẽ ngưng hoạt động. Viêm gan do rượu là một bệnh nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh thường xuất hiện ở những người trên 30 tuổi và uống nhiều rượu trong thời gian dài. Có đến 35% người nghiện rượu nặng mắc bệnh viêm gan do rượu. Và hơn 1/3 trong số họ chết trong vòng sáu tháng sau khi các dấu hiệu và triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả người nghiện rượu nặng đều mắc viêm gan do rượu, và căn bệnh này có thể xảy ra ở những người chỉ uống rượu ở mức vừa phải.
Nguyên nhân
Bệnh viêm gan do rượu là do uống quá nhiều rượu trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa lý giải được tại sao không phải tất cả những ai nghiện rượu đều có thể mắc viêm gan do rượu. Các chuyên gia chỉ biết rằng sự phá hủy ethanol do cồn trong rượu bia sẽ sản xuất ra hóa chất có độc tính cao, chẳng hạn như acetaldehyde. Những hóa chất này gây viêm và phá hủy tế bào gan. Dần dần sẽ tạo thành những vết sẹo trên gan (gọi là xơ gan) và làm giảm khả năng hoạt động của gan. Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh viêm gan do rượu.
Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra bệnh này như:
- Béo phì.
- Suy dinh dưỡng: những người uống rượu nhiều bị suy dinh dưỡng do rượu bia làm hạn chế sự hấp thụ các chất dinh dưỡng, phá vỡ các protein, một số vitamin và chất béo có lợi. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tổn thương tế bào gan.
- Mắc các loại viêm gan: đặc biệt là viêm gan C, nếu bạn bị viêm gan C và có thói quen uống rượu, dù ít hay nhiều đều có khả năng phát triển xơ gan hơn.
- Yếu tố di truyền: sự đột biến trong gen nhất định có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa rượu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan do rượu cũng như các bệnh ung thư liên quan đến rượu và các biến chứng khác của việc uống rượu nặng.
Triệu chứng và biểu hiện
Các triệu chứng của viêm gan do rượu khác nhau tùy thuộc vào mức độ tổn thương của gan. Dấu hiệu phổ biến nhất của viêm gan do rượu là vàng da và vàng tròng trắng mắt. Ngoài ra còn có các dấu hiệu và triệu chứng khác như:
- Thay đổi khẩu vị ( ăn không ngon miệng)
- Sụt giảm cân nặng
- Buồn nôn và ói mửa
- Đau bụng
- Sốt cao
- Mệt mỏi và yếu đuối
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Suy dinh dưỡng thường gặp ở những người bị viêm gando rượu. Uống một lượng lớn rượu sẽ ức chế sự thèm ăn và những người nghiện rượu nặng sẽ nhận được phần lớn lượng calo từ rượu.
- Đối với các bệnh nhân viêm gan do rượunặng thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Sự tích tụ chất lỏng trong bụng của bạn (cổ trướng)
- Sự nhầm lẫn và thay đổi hành vi do sự tích tụ chất độc thường bị phá vỡ và loại bỏ bởi gan
- Suy thậnvà gan
Các triệu chứng của viêm gan do rượu tương tự như các triệu chứng gây ra bởi các tình trạng sức khỏe khác. Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số này, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và bắt đầu điều trị.
Nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan do rượu bao gồm:
- Uống rượu: lượng rượu uống vào là nhân tố rủi ro quan trọng nhất của bệnh viêm gan do rượu. Một nghiên cứu đã tìm thấy rằng nguy cơ mắc bệnh xơ gan tăng cao khi uống hơn 60-80 ml mỗi ngày trong suốt hơn 10 năm đối với nam giới và khoảng 20 ml đối với phụ nữ.
- Giới tính: phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh viêm gan do rượu cao hơn nam giới. Sự chênh lệch này có thể do sự khác biệt ở cách thức rượu được tiêu hóa ở phụ nữ.
- Các yếu tố di truyền: nhiều sự đột biến gen đã được xác định là có ảnh hưởng đến quá trình rượu được phân hủy trong cơ thể. Mắc một hoặc nhiều hơn các đột biến này có thể làm tăng nguy cơ bệnh viêm gan do rượu.
- Béo phì: rượu và béo phì đều có ảnh hưởng đến gan. Hơn nữa, sự kết hợp của chúng thường gây ra ảnh hưởng nặng nề hơn.
- Chủng loại thức uống: bia hoặc rượu mạnh thì nguy hiểm hơn rượu vang.
Phòng và điều trị hỗ trợ
Việc điều trị viêm gan chỉ mang tính hỗ trợ nhằm cải thiện và tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân. Quan trọng nhất là phải ngưng uống rượu.
– Thay đổi lối sống:
+ Bỏ rượu bia
+ Chế độ ăn: Ăn đủ lượng calo cần thiết (khoảng 2000- 3000Kcal với các trường hơp ăn uống bình thường). Hạn chế chất béo (tránh ăn thức ăn chiên, xào, rán). Ăn ít nhất 1g protein cho 1kg trọng lượng cơ thể. Ăn nhiều hoa quả, đảm bảo đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin (nhất là vitamin B1) và acid folic. Uống ít nhất 2 lít nước một ngày.
+ Tập luyện hợp lý, vận động phù hợp với cơ thể.
– Sử dụng thuốc: Theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Biến chứng viêm gan
Khi gan bị bệnh, không thể thực hiện tốt các vai trò của mình, đặc biệt là khả năng khử độc, làm sạch máu sẽ gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm như hôn mê gan, giãn tĩnh mạch thực quản, xuất huyết tiêu hóa, suy thận ở bệnh nhân bị xơ gan tiến triển , ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gia tăng tỉ lệ tử vong.
Bệnh não gan
Bệnh não gan (hôn mê gan) là một trong những biến chứng nặng nhất và thường xảy ra trên nền một bệnh lý gan mãn tính (như đợt cấp của viêm gan mãn tính giai đoạn cuối, xơ gan giai doạn mất bù) khi mà vai trò của gan đã suy giảm. Khi ấy, các chất độc hấp thu từ ruột không được gan xử lý và dần dần tích lũy trong máu, sau đó đưa đến não. Khi độc chất tích tụ trong não ngày càng nhiều sẽ làm giảm chức năng của não và tổn thương hệ thần kinh trung ương dẫn đến nhận thức của bệnh nhân sẽ bị giảm. Tình trạng phù não trong suy gan cấp có thể gây thoát vị não và tử vong. Trong xơ gan mất bù, bệnh não gan mạn là vấn đề lâm sàng chính tác động đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Triệu chứng: Các triệu chứng chủ yếu bao gồm mất phương hướng, đãng trí, lơ mơ. Bệnh nhân có thể thấy buồn ngủ, tâm trạng thay đổi, ngủ lịm, mất trí, thậm chí hôn mê.
Những triệu chứng khác bao gồm vàng da, vấn đề về ngôn ngữ, run, xúc động, không thể vận động.
Ngoài ra còn có những triệu chứng của bệnh gan như vàng da, phồng ngực, co rút tinh hoàn, tràn dịch màng bụng, phù chân.
Bệnh hôn mê gan được phân thành 4 cấp độ.
- Cấp độ 1, người bệnh thường bị lú lẫn nhẹ, tập trung kém, dễ cáu gắt, giảm khả năng thực hiện những vấn đề cần tư duy.
- Ở cấp độ 2, sẽ có dấu hiệu ngủ lịm, đuối sức, thay đổi tính cách, gặp khó khăn lớn trong việc hoàn thành những công việc đòi hỏi tư duy.
- Ở cấp độ 3 là buốn ngủ (nhưng dễ bị đánh thức), không thể lao động trí óc, mất phương hướng thời gian và không gian. Ở cấp độ 4 diễn ra tình trạng hôn mê, không thể lao động trí óc.
Giãn tĩnh mạch thực quản
– Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng các tĩnh mạch ở thực quản bị giãn ra. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có bệnh gan nghiêm trọng. Giãn tĩnh mạch thực quản phát triển khi lưu lượng máu bình thường đến gan bị chặn bởi một cục máu đông hoặc sẹo trong gan. Để vượt qua tắc nghẽn, máu chảy vào các mạch máu nhỏ hơn vốn không được thiết kế để lưu thông khối lượng máu lớn như vậy. Các mạch máu có thể bị rò rỉ hoặc thậm chí bị vỡ, gây chảy máu và đe dọa tính mạng. Một khi bạn đã chảy máu, nguy cơ chảy máu lần sau sẽ tăng đáng kể. Nếu bị mất quá nhiều máu, bạn có thể bị sốc và có nguy cơ tử vong.
– Triệu chứng thường gặp: Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng, trừ khi có chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:
- Nôn và có một lượng máu đáng kể trong chất nôn
- Phân đen như hắc ín
- Choáng váng
- Mất ý thức (trong trường hợp nặng)
- Các triệu chứng của bệnh gan mạn tính như vàng da, vàng mắt, dễ chảy máu hay bấm tím , báng bụng (cổ trướng).
Chế độ ăn uống hợp lý cho người viêm gan
Khi bị viêm gan cấp tính
Chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ năng lượng và cân đối các thành phần đạm, béo, đường và vitamin, khoáng chất.
- Nên uống nhiều nước nhất là nước ép hoa quả.
- Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ, mỗi bữa chỉ ăn một ít.
- Không kiêng kị quá mức.
- Hạn chế gia vị và dầu mỡ.
- Ngưng hẳn rượu, bia.
- Thận trọng khi sử dụng các thuốc.
- Nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc.
Khi bị viêm gan mạn tính
Không kiêng khem quá mức khi gan chưa bị suy nặng. Tiếp tục chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng.
- Nên ăn nhiều chất đạm từ thực vật, chất bột – đường và rau quả tươi. Hạn chế bớt mỡ dầu và gia vị.
- Nên uống thêm thuốc bổ đa sinh tố và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc.
- Sinh hoạt bình thường. Tập thể dục, chơi thể thao vừa sức. Tránh các công việc quá nặng nhọc.
- Tránh uống rượu bia.
- Nếu bị viêm gan virút C mạn tính, không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất sắt hoặc các thuốc bổ có chứa sắt.